Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29.6.2021, Công điện 1082/CĐ-TTg ngày 6.8.2021 của Thủ tướng Chính phủ đề ra các nhiệm vụ giải pháp hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra. Một số các cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân còn thấp, dưới 40% kế hoạch năm.
Tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng đầu năm 2021 đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến 30.9.2021 là 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch.
Việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm so với kế hoạch, chủ yếu là do tác động của diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam khi đợt bùng phát thứ 4 đang tác động nặng nề tới khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước cũng khiến việc giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều trở ngại.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 diễn ra ngày 28.9.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 nghìn tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân. Thủ tướng yêu cầu, phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm, thúc đẩy giải ngân đạt tỉ lệ cao nhất có thể, vừa bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Đầu tư công được xem là một trong các bộ phận quan trọng cấu tạo nên tăng trưởng kinh tế của quốc gia, bên cạnh tiêu dùng cuối cùng, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân và chi tiêu chính phủ. Biểu đồ dưới đây cho thấy sự tương quan giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư từ ngân sách của Việt Nam từ năm 2005 đến nay. Trong trường hợp xuất hiện sự giảm tốc về kinh tế, Chính phủ có xu hướng mở rộng đầu tư công nhằm đảm bảo giữ tốc độ tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh sự tác động về con số thì việc sử dụng công cụ đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng, ngoài việc tác động trực tiếp vào tốc độ tăng trưởng GDP hiện tại còn tạo ra tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Theo BOS Securites, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì hệ thống cơ sở hạ tầng còn ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đầu tư công được coi là biện pháp hữu hiệu trong chống suy giảm kinh tế và tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn nhờ sự cải thiện của các hoạt động thương mại và sản xuất.
Tương quan tốc độ tăng trưởng GDP, tăng trưởng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của Việt Nam. Biểu đồ: BOS Securites
Đầu tư công, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới nền kinh tế cũng như các ngành kinh tế trong nước. Vì vậy, theo nhận định từ BOS Securites, sẽ có những ngành được hưởng lợi tích cực ngay khi các dự án đầu tư công bắt đầu được triển khai và cũng có những ngành được hưởng lợi sau khi kết thúc.
Theo BOS Securites, các ngành trực tiếp được hưởng lợi từ đầu tư công bao gồm xây dựng, vật liệu xây dựng; ngành gián tiếp được hưởng lợi từ đầu tư công là bất động sản.
Theo đó, các cổ phiếu trong ngành tương ứng sẽ được hưởng lợi từ sóng đầu tư công trong ngành xây dựng bao gồm: cổ phiếu VCG của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; cổ phiếu CII của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM; cổ phiếu FCN của Công ty Cổ phần Fecon; cổ phiếu LCG của Licogi16; cổ phiếu C4G của Tập đoàn Cienco4; cổ phiếu DPG của Công ty Cổ phần Đạt Phương.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng như HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; KSB của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương; C32 của Công ty Cổ phần CIC39; HT1 của Công ty Cổ phần Vincem Hà Tiên; PLC của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex cũng được hưởng lợi khi các dự án đầu tư công được triển khai.
Bất động sản hưởng lợi từ đầu tư công
Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), đến hết tháng 9.2021, chính quyền 13 địa phương nơi 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đi qua đã bàn giao mặt bằng được 643,7km, đạt 98,6%, tăng gần 3km so với tháng 8.2021.
Với việc thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Bắc Nam, các dự án bất động sản dân cư và khu công nghiệp dọc tuyến cao tốc này sẽ được hưởng lợi, cụ thể là các dự án như Vinhomes Star City Thanh Hóa, Vinhomes Hà Tĩnh, Vinhomes Làng Vân của Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM); dự án của Phát Đạt (PDR) tại Đà Nẵng, Quy Nhơn; dự án NovaBeach Cam Ranh, AquaCity River Park 112, Aqua City 81 của Novaland (NVL); dự án Gem Sky World của Đất Xanh (DXG); dự án Sài Gòn Chân Mây, Hòa Khánh, Liên Chiểu, Sài Gòn Nhơn Hội của Kinh Bắc (KBC); dự Sonadezi Long Thành (SZL); dự án khu công nghiệp Dầu Giây, Long Khánh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR).
Theo cafeland.vn